Bài 11- Nguyên tắc tạo bố cục trong nhiếp ảnh (Phần II)

Làm quen với các bố cục cổ điển

Nhiều người vẫn hay nói rằng không có nguyên tắc nào tạo nên bức ảnh đẹp, chỉ có những bức ảnh đẹp mà thôi. Vâng, nhưng, ở những bức ảnh đẹp ấy đều chất chứa một số nguyên tắc. Những nguyên tắc ấy chẳng do người nào đặt ra làm tiêu chuẩn cả. Tự thân chúng ẩn náu trong tận tiềm thức về cái đẹp nơi con người, và phải nói người chụp ảnh là người đi tìm, gặp gỡ và lưu giữ cái đẹp. Chính một bức ảnh đẹp cho thấy những nguyên tắc trong đó. Và, một trong những nguyên tắc đầu tiên cho người bắt đầu cầm máy đó là nguyên tắc về bố cục, nguyên tắc vàng.

Khởi thủy, khung ảnh là một hình vuông (phần A trong ảnh dưới). Sau này, người ta bèn lấy trung điểm (x) của đường ngang đáy phần A kéo một đường chéo lên góc hình vuông bằng một đoạn thẳng xy. Sau đó, lấy tâm x vẽ một đường cung yz, hình vuông sẽ trở thành 1 hình chữ nhật có tỷ lệ giữa hai phần A và B là 5:8 . Đây là tỷ lệ cho định dạng chuẩn 35mm của khổ ảnh (24 x 36mm = 5:7.5), đó chính là định dạng kích thước khổ film 35mm mà sau này các máy số của các hãng đua nhau sản xuất chip sensor cảm quang đạt được kích thước này, gọi là fullfame (FF).


Khi tìm ra được chuẩn ảnh hình chữ nhật rồi, việc gì xảy ra tiếp theo?
Chúng ta hãy kéo một đường chéo từ góc trái trên xuống góc phải dưới của hình chữ nhật (xem ảnh B) và một đường khác từ góc phải trên xuống điểm y’ (xem điểm y ở hình A) tạo thành điểm giao với đường chéo vừa rồi. Bấy giờ, hình chữ nhật được chia thành 3 phần khác nhau: A, B,C. Thế là người ta bắt đầu định vị đối tượng ảnh theo vùng trong khung, hay việc phân vùng trong toàn cảnh của khung hình sẽ phải tương ứng với 3 phần vừa chia đó để tạo ra một bố cục hài hoà. Tìm ra được những đường cắt vàng rồi thì bố cục ảnh bắt đầu được đặt ra.

TỶ LỆ 1/3
“Đường Cắt Vàng” được mở rộng theo tỷ lệ 1/3 – nhiều người vẫn gọi là “tỷ lệ vàng”.
Tỷ lệ một phần ba không nghịch với nguyên tắc “đường cắt vàng” được nói trên đây. Quy tắc 1/3 là quy tắc cơ bản đầu tiên cho người cầm máy ngắm lấy khung ảnh. Rất nhiều người đã phá vỡ nguyên tắc này với khung ảnh cân đối và có một số tấm ảnh đẹp. Tuy nhiên, hầu hết mọi nhiếp ảnh gia đều đồng ý và áp dụng nguyên tắc này cho tất cả khung ảnh của mình. Ngày nay, người ta không còn chuộng sự đối xứng hai bên hoặc đối tượng nằm ở trung tâm khung ảnh. Do đó, người ta lại phát triển “đường cắt vàng thành 4 đường cắt chia ảnh thành nhiều phần. Có 2 cách:

Trước tiên là người ta chia ảnh thành 2 vùng phân biệt theo tỷ lệ 1:3 và 2:3 theo kích thước khung ảnh. Hình dưới đây là tỷ lệ 1/3 cắt phần trên hoặc dưới của ảnh.

Hình 3a

Hình 3b
Như vậy, bạn xem ảnh dưới, khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Cũng có những khung ngắm trong máy kỹ thuật số có những đường chia mờ mờ thế này ngay trên máy. Nếu không, ngay khi ngắm và chọn khung ảnh, bạn phải chia trong đầu khung ảnh có 9 phần như vậy để sắp xếp chủ thể chính và tiền cảnh/hậu cảnh phụ như thế nào. Khi quen dần, điều này sẽ gần như trở thành hoạt động vô thức khi mắt bạn đưa vào khung ngắm.

Trong ảnh này, chủ thể chính được người chụp đặt đầu chủ thể vào giao điểm lệch giữa hai phần trên – đặc biệt mắt anh ta như là một điểm ngắm tự nhiên, chăm chú về một điểm thứ hai nào đó trong khung ảnh.

Như vậy, thứ nhất khi chụp ảnh bạn cố gắng đặt máy sao cho đường chiếu từ máy đến các vị trí 1/3 vuông góc, để ảnh có sức tác động mạnh hơn khi xem và tạo sự cân bằng ảnh hơn. Thứ hai là trọng tâm của ảnh nằm gần vị trí 1/3 (trọng tâm của ảnh là điểm nhấn mạnh của chủ thể). Bạn không thể có ảnh đẹp nếu đứng chéo góc rồi lấy bố cục 1/3, bạn cũng không thể chụp chéo góc rồi về nhà cắt cup bố cục 1/3, trừ phi bạn tuân thủ hai điều này. Và, chúng ta tìm hiểu thêm 1 ví dụ nữa để thấy rằng có những điều phải tuân thủ, nhưng có nhiều điều phải sáng tạo và thiên biến vạn hoá tuỳ theo thực tế.
Ví dụ:
Chủ thể nằm giữa khung ảnh: sai nguyên tắc 1/3
Đường chân trời cắt ngang chia đôi khung ảnh: sai nguyên tắc 1/3
Tấm ảnh lạc lỏng và không có điểm nhấn để hút mắt người xem.
Vậy, ta đưa vào khung tỷ lệ 1/3 nhé!
Chủ thể nằm ở điểm nhấn 1/3 góc trên trái.
Đường chân trời cắt ngang tỷ lệ 1/3 trên.
Đúng nguyên tắc 1/3 rồi! Đẹp không bạn?
Hay tấm này? Bạn thích tấm nào?
Như vậy, xin nhắc lại, dành cho người bắt đầu cầm máy! Nhưng chuyện nguyên tắc về bố cục thật sự lại luôn là một sáng tạo khi bấm máy hoặc cắt cúp ảnh. Giống như chụp ảnh, bố cục ảnh luôn là hành trình tìm kiếm hoài, không phải là đích đến, không phải là những nguyên tắc cố định bất dịch.
Đường chéo

Tiếp đến, “Đường Cắt Vàng” lại sinh ra đường chéo cắt điểm một cách rất linh hoạt. Chẳng hạn, bạn thử tưởng tượng một phong cảnh thanh bình yên tĩnh nhưng không có chủ đề chính trong cấu trúc khung ảnh, người xem sẽ có cảm giác ảnh nhạt nhẽo xen lẫn cảm giác trống rỗng đường dẫn, hoặc không cảm nhận được điểm nhấn là gì. Người chụp cố gắng phát hiện một đối tượng nào đó và đặt nó vào điểm cắt chéo này để phá vỡ sự đơn điệu đó. Ví như sự lắt léo trên con đường ruộng của các cô gái làm điểm nhấn ở đường chéo này hướng cái nhìn người xem ngày giây đầu tiên vào toàn cảnh.

Về cơ bản, đường cắt chéo vẫn là cách tìm thêm hướng nhìn tốt cho chủ đề chính. Đó là tạo một đường chéo nối từ 2 góc khác nhau.

Chúng ta lại xem xét một ví dụ khác về đường cắt vàng – chéo nhé. Hai khung ảnh sau đây, bạn thấy tấm nào ấn tượng hơn?

Chúng ta thử đưa khung bố cục chéo vào hai khung ảnh xem sao nào!


Vẫn là nguyên tắc 1/3, nhưng kết hợp với đường chéo vàng thế này, mắt của chủ thể được đặt tại điểm trọng tâm, thu hút hướng nhìn người xem. Ảnh ấn tượng hơn.

Khi sử dụng tỷ lệ 1/3, bạn cũng có thể lồng vào đường chéo vàng như thế này để làm nổi bật chủ đề. Như ảnh dưới, cũng là tỷ lệ 1/3, nhưng không lồng bố cục chéo thế này, ảnh có phần hơi lơ lửng, không chặt và ấn tượng như ảnh trên.

Câu chuyện bố cục, những đường vàng, khung ảnh, và các nguyên tắc cơ bản cho người bắt đầu chụp còn rất nhiều. Hẹn các bạn vào những ngày sau lại tiếp tục. Những bạn nào rành và giỏi về những kiến thức cơ bản này, xin bổ sung để bài viết được phong phú đầy đủ.

Hết phần II.

Related posts

Nhiếp ảnh ý niệm là gì? Có gì hay và thú vị – ThaoLEE

3 cách set đèn hiệu quả trong chụp ảnh chân dung – ThaoLEE

Bài 12- Nguyên tắc tạo bố cục trong nhiếp ảnh (Phần III)